CHÀO MỪNG BẠN GHÉ THĂM BLOG CỦA HỒNG ANH!

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

BẦM TÔI.

/tiếp theo/
Nhà bầm tôi ko làm ruộng nên chẳng có đất đai gì.Ngoài đan mành ra thì còn nuôi gà và lợn nữa.Ko có ruộng nhưng bà vẫn làm phân chuồng và vẫn ủ phân như các gia đình làm nông nghiệp khác.Số phân ấy được dùng cho mảnh rộng phần trăm nhà cô Bình.Thỉnh thoảng tôi cũng được đi ra ruộng giúp cô hoặc đem phân ra đồng hoặc thu hoạch hoa màu.Nhờ thế mùa nào thức ấy cô trồng gì chúng tôi cũng được thưởng thức.
Một hôm cô đem gạo nếp xuống bảo ngâm để mai xay bột làm bánh khúc.Cô nói với bầm tôi,ngoài đồng nhiều rau khúc lắm,mai cho bọn trẻ chở phân ra sớm tiện thể hái rau khúc về làm bữa bánh.Rồi cô đi mượn thêm một xe cải tiến nữa về đánh phân chất sẵn lên xe.
Sớm hôm sau tôi cắp hai cái rổ và một cái bị cói,lóc cóc chạy theo hai cái xe cải tiến ra đồng.Hôm ấy tôi thực sự được nhìn thấy ông mặt trời đỏ như quả dưa hấu bổ đôi cưỡi chiếc xe mây leo lên bầu trời rải những tia nắng ban mai xuống khắp cánh đồng.
Trên những chân ruộng mạ chưa cày ải,rau khúc mọc lên rất nhiều.Trước đó tôi đã một vài lần đi hái rau khúc,nên đã biết,nhưng chưa lần nào đi sớm như thế và cũng chưa lần nào thấy rau khúc mọc nhiều như thế.Tôi được đi hái rau khúc luôn còn hai đứa con cô Bình phải phụ với hai người lớn rải phân xuống ruộng.Họ cứ tay trần thế mà bốc phân tung ra ruộng,tất nhiên là phân đã ủ hoai rồi,giờ nhớ lại thì thấy mất vệ sinh chứ hồi đấy thấy bình thường,chắc ai cũng làm thế cả.Rải phân xong cô Bình lấy sào gạt qua gạt lại cho hết phân bám trên lá lúa.Nhìn cô làm tôi nghĩ chắc cô yêu mảnh ruộng của mình lắm.Sau này ,khi xem phim/ Cuốn theo chiều gió/ lúc Scaclet cầm củ cải giơ lên trên cánh đồng của gia đình và thề sẽ ko bao giờ để cho mình và những người thân của mình bị đói nữa,tôi lại liên tưởng đến cô Bình.Tình yêu với đất đai chính là sức mạnh và là vẻ đẹp của người nông dân.Tôi nghĩ thế.Rải phân xong,mọi người cùng tôi hái một loáng là đầy hai rổ và cái bị.Bọn trẻ con được ngồi lên xe cải tiến cho đỡ mỏi chân trên đường trở về.
Ở nhà,bột đã vắt cho ráo nước bọc trong tấm vải diềm bâu,gạo nếp và đỗ đã ngâm,chiều hôm ấy chúng tôi làm bánh khúc.
Rau khúc rửa sạch cho vào cối đá giã nát trộn với bột gạo nếp xay đã ráo nước,nhào kĩ rồi chia thành từng phần nhỏ đều nhau.Đỗ xanh đồ chín giã nát,xào lên với hành phi cho thơm,xong nắm thành từng nắm nhỏ làm nhân chia sao cho tương đương với phần vỏ bánh.Rồi cứ một nhân một bánh nặn lại vê tròn sau đó mới làm dẹt ra.Xếp bánh vào chõ đồ như đồ xôi.Cứ một lượt gạo,một lượt bánh.Chỉ cần nước sôi mùi bánh khúc đã thơm lừng khắp nhà.Chưa bao giờ tôi được ăn bánh khúc ngon như thế,kể cả sau này,bởi làm sao có được nhiều rau khúc như thế.Bây giờ bên này mọi người thay rau khúc bằng rau cải cúc hoặc lá su hào,nhưng vẫn cứ gọi là bánh khúc.Nhiều người bảo tại hồi ấy đói nên thấy ngon hơn,cái gì thế thì ko biết,còn bánh khúc nếu ai hái được nhiều rau khúc như cô cháu tôi hồi ấy thì bây giờ phải gọi là trên cả đặc sản chứ chẳng đùa.Chân ruộng mạ thủa ấy bây giờ đã quy hoạch thành khu chung cư gì đó rồi.Người nông dân bây giờ làm gì còn đất để mà yêu nữa.

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

BẦM TÔI.

Nguyễn Công Trứ thì hận đời thốt lên.
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Còn bầm tôi thì chắc là coi kiếp người là sướng nhất nên mỗi lần làm thịt con gì bầm tôi đều nói...Thôi nhé tao hóa kiếp cho mày khỏi kiếp gà,kiếp vịt,kiếp cá...gì gì đó,để kiếp sau lên làm kiếp người nhé.Bầm tôi ko ăn chay nhưng một lòng kính phật thờ phật,bà tin ở quả báo,tin ở hiền gặp lành.tin kẻ ác sẽ bị trời trừng phạt.Bà một lòng kính yêu Bác Hồ.Khi Bác Hồ mất bà bảo với tôi bây giờ BÁC lên cõi Phật rồi,hiệu là Ngọc Phật và bà đặt tượng Bác lên bàn thờ cúng như cúng Phật vậy.Tôi ko biết trong gia phả nhà Phật có vị này ko,nhưng tôi tin trong niềm tin của rất nhiều người dân Việt nam thời bấy giờ có vị phật này.
Bà rất tiết kiệm,chắt chiu từng hạt gạo,củ khoai.Bát cơm chúng tôi ăn xong ko bao giờ được phép còn dính lại hạt cơm nào chứ đừng nói là bỏ bứa.Thế nhưng cỗ bàn thì phải tươm tất.Nhà bầm tôi là trưởng họ nên giỗ nhiều lắm.Tháng nào cũng có giỗ,có tháng hai,ba đám.Trước hôm giỗ mọi người thường đến góp giỗ,nhưng đồ góp thường chỉ đủ cúng thôi,còn đồ ăn thì phải nhiều hơn nhiều.Cỗ bao giờ cũng có xôi,nhưng hầu như xôi chỉ để chia phần mang về,thịt cũng thế.Những người đi ăn cỗ thường chỉ ăn cơm,món xào và canh thôi
.Cứ mai giỗ thì thế nào tối nay cô Bình cũng xuống cùng bàn bạc với bầm tôi và phân công công việc cho chúng tôi làm ngày mai.Cô Bình là em chồng bầm tôi,cô có chồng là liệt sĩ.Trước khi vào Nam chú ấy đã kịp để lại cho cô ba đứa con trai,đứa út ko biết mặt cha.Chú ấy là con một,bà Bống,mẹ chú tuy già nhưng vẫn còn khỏe,bà làm hàng xáo nên cũng đỡ đần thêm cho cô.Cứ theo đánh giá của tôi thì nhà cô cũng khá giả hơn nhà bầm.Nhà ngói,sân gạch,bếp rộng láng xi măng,cô lại có cả ruộng phần trăm nữa.Chỉ có nhà cô là góp giỗ nhiều nhất và ăn cỗ xong bao giờ cũng dọn dẹp tinh tươm mới ra về.Cô cũng mất rồi,tôi cũng qua thắp cho cô nén hương,khi về thắp hương cho bầm tôi.Tôi ít thấy được ở đâu có chị dâu và em chồng yêu quý nhau như bầm tôi và cô ấy.
/còn nữa/

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

CHÂN DUNG MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ

Năm nay về phép dù thời gian rất ngắn nhưng tôi rất hài lòng vì làm được nhiều việc ý nghĩa.Một trong số đó là về lại THẠCH ĐÀ thắp hương cho bầm/bà Nguyễn thị Thuận/,người mẹ nuôi của chị em tôi trong những tháng năm sơ tán.Người có ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của chị em chúng tôi.Tuy nhiên chuyện tôi muốn kể ở đây lại không phải là chuyện về bà mà là chuyện về một người phụ nữ khác,nhưng nhờ chuyến đi này mà kí ức trở về và chuyện về bà ấy cứ trở đi trở lại trong đầu.

Hơn hai mươi năm đã trôi qua,con đường,cảnh vật hầu như đã hoàn toàn thayđổi.Khi qua làng Nam cường,chỉ có ba cây đa đầu làng vẫn còn sừng sững đứng đó và thế là chuyện cũ lại trở về như mới hôm qua.
Khoảng giữa năm 1965,mẹ đưa chúng tôi sơ tán về ở nhờ nhà bà ThơmBà có một người con trai,khi đó khoảng 11,12 tuổi gì đó.Chồng bà chết đã lâu,bà ở vậy thờ chồng nuôi con.Nhà bà rộng ba gian một trái,lợp mái rạ nền đất,nhưng sân gạch rộng và hai mảnh vườn nhỏ tất cả đều nằm trên một khu đất cao hơn các nhà xung quanh và cao hơn đường làng phải đến hơn mét.Giờ nghĩ lại thì thấy như vậy là bà cũng thuộc loại khá giả trong thời buổi ấy.
Vườn nhà bà trồng rất nhiều thứ,nhưng tôi nhớ nhất là mấy gốc bí đỏ và mấy khóm chuối tiêu.Bí đỏ bà trồng lấy quả để bán,bà chỉ cắt nhưng lá già, lá vàng để ăn thôi.Có một hôm bà đem về một mớ sắn ,bà bóc vỏ nâu bỏ đi ,bóc lớp vỏ hồng đem phơi,rồi giã ra nấu với rau bí già.Anh con trai không ăn,một mình bà ăn không hết,để đến hôm sau bà lại mang ra ăn nốt thế là bị đau bụng đi ngoài mẹ tôi cho thuốc uống mới khỏi.
Về ở nhà bà được ít lâu thì đến mùa gặt lúa nếp.Tôi cùng cô em họ hơn tôi 9 tuổi theo bọn trẻ con trong làng đi mót lúa.Sau một ngày về hai chị em tôi được không bằng một nửa anh con trai của bà.Hôm sau tôi để ý thấy anh con trai luôn mót lúa ở gần chỗ bà gặt.Khi cắt để lượm thì bà không bó hết lúa vào lượm và anh ta chỉ việc đến đấy mà bốc cả nắm chứ không nhặt từng bông như chúng tôi.Biết thóp nên chúng tôi không chỉ tìm lúa sót mà còn nhìn xem ai có con theo mẹ đi mót lúa để rình nẫng tay trên của bọn chúng.
Thường lúa gặt về buổi sáng thì đến tối đập.Bà Thơm có một cái quần láng cắt chân què ống rộng chuyên để đi đập lúa.Trước khi đi ra sân kho hợp tác bà đặt sẵn cái nong ở trong buồng.Cứ đập lúa được một lúc bà lại chạy về nhà,quần sắn cao tận bẹn vào buồng rũ lúa dính trên quần vào cái nong
cả buổi đập lúa như vậy bà kiếm được hơn đấu thóc.Chẳng biết những người đập lúa khác có làm giống bà không.
Bà đúng là người phụ nữ ở vậy thờ chồng nuôi con.Có miếng gì ngon,cái gì đẹp bà đều để dành cho con,còn bản thân mình chỉ dùng đầu thừa đuôi thẹo,cơm thừa canh cặn.
Ngày giỗ chồng bà nấu một nồi xôi một nồi chè con ong.Bà ra vườn cắt một nải chuối xanh ở cuối buồng chuối,lấy một quả trứng trong ổ gà đang ấp,sang ông hàng xóm vay một cút rượu.Thế là có đủ xôi chè hoa quả rượu trứng cho một đám giỗ.Cúng xong bà đem cút rượu trả ông hàng xóm kèm theo một đĩa xôi.Quả trứng trả lại con gà đang ấp/chẳng biết rồi nó có nở ra được gà con hay không,nhưng sau đó bà cũng được ăn một bữa trứng gà ung thoải mái/.Mẹ con bà chỉ ăn xôi,còn chè bà cất vào chum thóc cho anh con trai ăn dần.Một hôm bà cầm đĩa chè ra sân soi lên nắng thấy mốc xanh,bà lấy đũa gạt mốc đi,chắc là chè ngọt nên anh con trai vẫn ăn ngon lành mà không làm sao.
Nhà tôi chỉ ở nhờ nhà bà khoảng nửa năm,sau tết mẹ tôi xin vào làm ở lương thực THẠCH ĐÀ nên chúng tôi chuyển đi.
Bà ấy mất đã lâu,hồi ấy chúng tôi rất ghét bà ấy,giờ nhớ lại thấy cứ thương thương lạ thế.Thương cho một kiếp người.

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

XUÂN QUÊ HƯƠNG.

Mặc dù biết rằng về tết rất vất vả, tốn kém, nhưng mình vẫn thích về TẾT hơn HÈ. Có người bảo là mình mê tín.Cứ cho là thế đi.
Với mình, về cho thỏa nỗi nhớ. Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ các em, các cháu, nhớ thầy cô và bè bạn. Dù công nghệ thông tin đã rút ngắn khoảng cách rất nhiều nhưng vẫn ko đem lại được trải nghiệm chân thực.
Năm nay mình về kịp tiễn ông táo lên trời, con gái được đem cá ra hồ thả. Ở bên này mình chỉ cúng cá rán, cúng xong rồi chén, ông táo lên trời bằng hương cá thôi.
Mai, đào, quất...đã có đủ, nhưng vẫn được một ngày lượn chợ hoa kiếm thêm cành đào bày trên ban thờ. Năm nay ấm nên tìm mãi mới được một cành tạm ổn và một cây hải đường trên cả mong đợi. Lòng thấy vui vui chắc năm nay nhiều may mắn.Ừ có lẽ mình mê tín thật.
Gói chục chiếc bánh chưng, nấu trong nhà cho có mùi thơm của tết. Lại nhớ ngày xưa nấu bánh chưng thuê, đun cả thùng phi suốt đêm giữa sân.
Nấu nồi nước mùi già tắm cho mẹ. Nước mắt tràn mi chẳng biết còn được bao lần tắm cho mẹ nữa.
Giao thừa sang hồ NGỌC KHÁNH xem bắn pháo hoa, về đến nhà cỗ giao thừa đã hạ. Bỗng nhớ giờ này những năm xưa ba mình tổng kết một năm làm ăn rồi phát lộc đầu năm cho con cháu. Giờ cậu trưởng tổng kết rồi bà phát lộc....
Một năm mới đã sang.