Cũng như cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, người Việt Nam ở CHLB Đức đang phát huy bản chất cần cù chịu khó để có cuộc sống ổn định. Thuận lợi đến với họ cũng nhiều nhưng khó khăn cũng không hề nhỏ. Và có một điều là họ luôn hướng về quê nhà với mong muốn đóng góp một phần nào đó.
Cộng đồng người Việt Nam tại Đức khoảng 100.000 người, chiếm khoảng 1.21% dân số Đức. Một số người khá thành công trong các hoạt động kinh doanh và nắm giữ các vị trí quan trọng trong xã hội, nhưng cũng không ít trong số đó vẫn phải vật lộn với cuộc sống đời thường để mưu sinh bằng lao động phổ thông.
Kinh doanh nhỏ, sống ổn định
Hầu hết người dân Việt Nam tại Đức tham gia lao động phổ thông, như bán hoa, giày dép, quần áo tại các nhà ga hay các khu chợ ngoài trời, hoặc làm việc tại các nhà hàng châu Á. Các dịch vụ kinh doanh nhỏ lẻ như vậy không đủ làm họ giàu có nhưng cũng đủ để giúp họ có được một mức sống tạm ổn.
Nguyễn Thị Thu Hương, 37 tuổi, chủ một tiệm ăn Việt Nam, cho biết chị rất hài lòng với cuộc sống ở đây. Chị Hương nói: "Tôi mở nhà hàng này mới được 3 năm nhưng công việc làm ăn khá thuận lợi. Số lượng khách hàng thường xuyên hầu hết là khách du lịch và người Việt Nam”.
Mặc dù đã sinh sống ở Đức được hơn 15 năm nhưng chị Hương vẫn chưa có chứng nhận là công dân Đức mà mới chỉ có giấy phép cư trú dài hạn như hầu hết những người đồng hương khác của chị.
Khi được hỏi về cuộc sống ở Đức, chị tâm sự: "Cuộc sống ở đây tốt hơn ở nhà về mặt giáo dục và các phúc lợi xã hội. Ở đây, mình được hưởng chế độ chăm sóc y tế rất tốt, hơn nữa, môi trường khá trong lành, ít bị ô nhiễm. Tuy nhiên, sống ở nước ngoài đồng nghĩa với việc phải làm quen với các phong tục và tập quán ở nước họ, rất khác với quê hương mình".
Rất nhiều người Việt Nam quyết định ở hẳn lại Đức để làm ăn và định cư lâu dài cùng cả gia đình với rất nhiều lý do. Trần Văn Tiến, 48 tuổi, là chủ một cửa hàng thực phẩm nhỏ tại Berlin cho biết anh sang Đức từ năm 1998 và muốn sống và làm việc tại Đức lâu dài.
Anh Tiến nói: "Lúc đầu tôi theo bố đến đây vì lý do kinh tế. Nhiều năm trước, tôi phải trải qua rất nhiều khó khăn để kiếm sống, nhưng hiện giờ thì cuộc sống của tôi khá ổn định với công việc kinh doanh cửa hàng thực phẩm. Tôi không giàu nhưng số tiền mà tôi kiếm được cũng đủ để tôi có được một cuộc sống như tôi mong muốn. Trước kia, tôi chỉ ước mình có được 1 chiếc xe máy nhưng giờ tôi đã mua được ô tô riêng rồi”.
Bán hoa tươi, giày dép và quần áo là công việc chính của rất nhiều người Việt Nam tại Đức. Phạm Thị Hoa, 55 tuổi là chủ của một của hàng bán quần áo và túi xách tâm sự: "Tôi và người họ hàng mở cửa hàng này từ năm 1997. Lúc đầu, việc kinh doanh rất khó khăn vì tôi không có tiền để thuê cửa hàng. Giờ thì thuận lợi hơn nhiều. Hàng năm, tôi có thể gửi tiền về hỗ trợ gia đình ở quê. Tôi không bị phân biệt đối xử và lúc nào cũng tuân theo các quy định và pháp luật của Đức”.
Luôn hướng về quê hương
Khác với một số người Việt Nam khác tại Đức, anh Bằng, 50 tuổi, chủ của hàng bán giày dép và trang sức tại Berlin, cho biết anh sinh sống ở Đức được gần 30 năm, nhưng luôn mong muốn được trở về Việt Nam. Anh nói: "Cuộc sống vật chất của tôi ở đây rất đầy đủ nhưng tôi vẫn mong muốn trở về Việt Nam để sống phần đời còn lại của mình ở quê hương. Tôi ở đây là để kiếm thêm tiền, và khi đã ổn định rồi, tôi muốn về Việt Nam để đầu tư kinh doanh. Với tôi, hai chữ quê hương luôn ở trong tâm trí và dù đi đâu tôi cũng mong muốn được trở về".
Cũng không phủ nhận rằng có rất nhiều người Việt Nam đang phải bươn chải trên đất Đức, họ không có giấy phép cư trú, thậm chí cũng không có giấy tờ tùy thân. Những người này thường phải làm các việc chân tay tại các khu chợ và phục vụ tại các cửa hàng ăn, như quét dọn và rửa bát đĩa. Họ sống ở đây là để "tồn tại" nhưng luôn nơm nớp lo sợ vì cư trú bất hợp pháp.
Trần Thành Công, người thợ nướng bánh tại một cửa hàng ở Berlin cho biết anh rời quê hương được hơn 5 năm nhưng đến giờ vẫn chưa có giấy phép cư trú hợp pháp. "Tôi không muốn kể với bất kỳ ai về việc này vì tôi lo sợ bị trục xuất nếu cảnh sát phát hiện ra tôi cư trú bất hợp pháp tại đây”, anh Công nói.
Chúng tôi cũng gặp một trường hợp tương tự như vậy, đó là một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi. Anh sang Đức thăm người thân và sau đó ở lại luôn không về nữa. Mặc dù biết là cư trú bất hợp pháp và phải sống chui lủi nhưng vẫn không muốn trở về. Lúc đầu cứ nghĩ ở đây sẽ sung sướng nhưng dấn dần mới nhận ra rằng không đâu bằng quê hương mình. Anh bùi ngùi tâm sự: "Tôi rất sợ bị cảnh sát phát hiện, đi đến đâu cũng nơm nớp lo sợ và thực lòng cũng mong muốn trở lại quê hương lắm. Nhưng giờ cũng không biết phải làm thế nào. Bố tôi ở Đức đã mất rồi, tôi giờ cũng không còn ai thân thích ở đây, đi làm thuê để kiếm sống, nhà cũng không có, cuộc sống nay đây mai đó. Không biết ngày mai sẽ ra sao nữa”.
Trên thực tế, cũng có rất nhiều những câu chuyện về thành công trong lập nghiệp tại xứ người. Giáo sư Trần Quốc Khánh đang làm việc tại Viện Thiết kế Điện máy là một minh chứng. Ông Khánh sinh sống ở Đức đã được nhiều năm và thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về kỹ thuật ánh sáng. Mới đây ông đã thí nghiệm thành công một dự án về hệ thống chiếu sáng tự động dành cho ô tô và phát minh ra máy chiếu phim kỹ thuật số mang tên Digitale Kinocamera được cung cấp cho Hollywood. Được coi là có một sự nghiệp thành công tại Đức, Giáo sư Khánh không ngần ngại khi bày tỏ suy nghĩ về cuộc sống tại đây. Ông nói: "Tôi hài lòng với những gì tôi có được tại đây và tôi rời Việt Nam để sang Đức với những lý do riêng của mình. Lúc đầu, tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn để thích nghi với môi trường mới và tôi đã học tiếng Đức, điều mà tôi cho rằng rất cần thiết khi muốn định cư tại đây. Tôi đã khẳng định năng lực của mình ở nước ngoài bằng cách đưa ra các sáng kiến và các đóng góp của mình. Điều này là một nhiệm vụ đầy thử thách đối với tôi”.
Mặc dù sống ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng người Việt Nam ở Đức nói chung đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của họ và luôn mong muốn có được một cuộc sống tốt hơn ở xứ người với mong muốn giúp đỡ gia đình và họ hàng ở Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.